Ghi nhận Phạm_Văn_Nghị

Nhân cách

Sử nhà Nguyễn chép:

"Phạm Văn Nghị cùng với Doãn Khuê (đỗ tiến sĩ cùng khoa với Nghị), được kẻ sĩ đương thời mến phục. Có lần Doãn vào bái yết vua, vua thong thả hỏi chuyện bệnh tình của Nghị rồi cho vàng và tiền để mua thuốc men, lại dụ rằng: "Không phải ta khen Nghị về sự tiến thoái nhanh nhẹn, mà là khen về sự khí tiết hơn người, gặp việc là hăng hái làm..." Tuy ở ẩn, nhưng ông Nghị luôn tự trách mình chưa làm hết chức trách với nước, với dân. Có người biết được tấm lòng ông, tâu chuyện lên vua. Vua ban cho ông 100 lạng bạc và dụ rằng: "An cư, dưỡng lão, dạy bảo hiền tài, thế cũng đã là lo báo đáp, không nên tự cho như thế là chưa đủ"

— Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 2, quyển 33

Năm ông 70 tuổi, nhiều người có liễn đối, thơ mừng thọ, trong số đó có câu của Tống Duy Tân:

Phong lãng kỉ hồi, đại nghĩa ná tri đầu phát bạch,Giang sơn vô dạng, cố viên nhưng hữu cúc hoa hoàng.Dịch:Sóng gió nhiều phen, nghĩa lớn sá chi đầu tóc bạc;Giang sơn yên ổn, vườn xưa còn đấy luống hoa vàng.

Văn nghiệp

Phạm Văn Nghị viết nhiều và chủ yếu đều bằng chữ Hán. Tác phẩm gồm có:

  • Tự ký (Tự mình ghi chép)
  • Tùng Viên văn tập (Tập văn Tùng Niên)
  • Hoa động đồ trung thập vịnh (mười bài thơ vịnh cảnh đẹp động Hoa Lư)
  • Nghĩa Trai thi văn tập (Tập thơ văn Nghĩa Trai)

Và bài "Trừ văn hịch" (Hịch trừ muỗi).

Về chữ Nôm, ông có bài "Tứ thành thất thủ phú" (Phú kể lại việc Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất) và một số bài thơ khác ông làm khi về ở ẩn.

Thơ văn yêu nước của ông biểu lộ thái độ căm thù quân xâm lược sâu sắc, đả kích không thương tiếc những quan lại yếu hèn. Nhưng cũng qua đó, người đọc cũng dễ dàng thấy ở ông một tấm lòng yêu dân thiết tha, lòng kính trọng những anh hùng liệt sĩ đã dám xả thân vì nghĩa lớn.

Về cuối đời, "thơ ông nặng về tư tưởng nhàn, song tấm lòng son sắt với dân, với nước thì không hề phai nhạt"...[5]

Giáo dục

Nhờ công ông dạy dỗ, nhiều học trò của ông sau này đều đỗ đạt cao, trở thành người hữu ích như: Nguyễn Khuyến, Trần Bích San, Nguyễn Quang Bích, Đỗ Huy Liêu, Phạm Thận Duật, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao, Lã Xuân Oai, Vũ Hữu Lợi, Phạm Nhân Lý, Trần Văn Gia, Trần Đình Liêm,..

Phần các con ông, có: con trưởng là Phạm Văn Giảng, thi Hội đỗ Phó bảng, làm quan đến chức Bố chánh Thanh Hóa; các con thứ là Phạm Văn Hân, Phạm Văn Hàm, Phạm Văn Phả đều thi đậu cử nhân.